Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Kiến thức căn bản cho thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng (bản dịch song ngữ)

Dẫn:
Blog "Dịch để học" của tôi mới ra đời hôm qua đã nhận được sự hưởng ứng khá nồng nhiệt của bạn bè và đồng nghiệp, cả những người đã biết ở ngoài đời và những người chỉ mới quen nhau qua facebook. Rất may mắn, trong số những người mà tôi chỉ quen trên facebook có anh Nguyễn Hữu Thư, một người hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, rất tận tâm và kiên trì trong việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cho thế hệ trẻ qua các bài viết và bản dịch của mình. Bạn nào đang học ngành tài chính - ngân hàng mà có sử dụng facebook thì nên tìm và làm quen với thầy Nguyễn Hữu Thư (nick: Nguyen Huu Thu), chắc chắn sẽ học hỏi được rất nhiều điều với thầy Thư đấy.

Còn hôm nay thì tôi xin giời thiệu một tài liệu quý trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã được nhóm của thầy Thư tổ chức dịch và trình bày song ngữ. Tài liệu ấy có tựa mà tôi đã sử dụng làm tựa của entry này, đó là "Kiến thức căn bản cho thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng". Các bạn có thể tải về từ link có nêu trong bài giới thiệu dưới đây của thầy Thư để về nhà nghiền ngẫm. Và cũng vậy, nếu các bạn có thắc mắc gì về việc dịch tiếng Anh, thì đừng ngần ngại gì mà không gửi câu hỏi đến blog này nhé (gửi qua comment). Tôi sẽ cố gắng trả lời, hoặc nếu không trả lời được thì chắc chắn sẽ gửi câu hỏi đến thầy Thư để nhờ giúp đỡ.

Mong rằng tài liệu có ích cho các bạn. Còn lại, xin các bạn đọc bài giới thiệu tài liệu dưới đây của thầy Nguyễn Hữu Thư (phần chữ màu xanh).
------------------------
Từ những chia sẻ chân tình của TS Vu Thi Phuong Anh về việc DỊCH ĐỂ HỌC : HÃY DỊCH ĐỂ HỌC - xin chia sẻ một tài liệu ...TẬP DỊCH ĐỂ HỌC : BASICS FOR BANK DIRECTORS ( CẨM NANG DÀNH CHO CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ NGÂN HÀNG) -

MỤC LỤC


1/ Giới thiệu bản dịch

2/ Lời nói đầu


3/ Giới thiệu sự hình thành tài liệu


4/ Chương 1 : Thưa quý vị, đây là ngân hàng


5/ Chương 2 : Khung luật pháp và quy định quản lý và điều tiết hoạt động ngân hàng ( Giám sát hoạt động ngân hàng theo các quy định pháp lý) 



6/ Chương 3 : Tính an toàn và vững chắc của ngân hàng ( CAMELS)

• Vốn chủ sở hữu

• Chất lượng tài sản có
• Quản lý điều hành
• Thu nhập
• Tính thanh khoản
• Tính nhạy cảm với rủi ro thị trường 


GIỚI THIỆU BẢN DỊCH
Cùng với đất nước đang tiến hành hội nhập quốc tế một cách mạnh mẽ, ngành ngân hàng Việt Nam cũng đang trải qua nhiều thay đổi tích cực về vốn, mô hình tổ chức, quản trị điều hành, công nghệ, cơ sở mạng lưới hoạt động và nhất là nguồn nhân lực để có thể đạt được những thành quả cao trong hoạt động kinh doanh khi ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh hoạt động hiện nay và trong những năm sắp tới.

Với tinh thần chủ động và tư thế đón đầu, nhiều ngân hàng đã quan tâm tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện trong và ngoài ngân hàng để làm thế nào có được nguồn nhân lực thông thạo chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng, có năng lực cao trong tổ chức quản trị điều hành, được trang bị những kiến thức cần thiết cho hoạt động kinh doanh và tinh thông ngoại ngữ .


Trong việc tổ chức các khóa huấn luyện đào tạo nội bộ tại các ngân hàng, điều kiện cần và đủ là giảng viên và học viên cần có những giáo trình, tài liệu mang tính chuyên nghiệp, thực tiễn và cập nhật về các nghiệp vụ của một ngân hàng hiện đại như tổ chức quản trị điều hành, quản trị rủi ro, hoạt động tín dụng, nghiệp vụ ngân hàng quốc tế (tài trợ thương mại, kinh doanh ngoại tệ..), ngân hàng điện tử, chăm sóc khách hàng, các nghiệp vụ của giao dịch viên ngân hàng, kế toán hiện đại….


Các tài liệu này được phổ biến rộng rãi tại các nước phát triển và do Ngân hàng Trung ương hay Hiệp hội ngân hàng tại các nước này xuất bản, nhằm đào tạo và truyền bá thêm kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ ngân hàng và quản trị điều hành cho tất cả nhân viên ngân hàng ở các cấp khác nhau có mối quan tâm sâu sắc về lĩnh vực ngân hàng.


Thực tế hiện nay tại Việt Nam, không có nhiều những tài liệu như vậy được soạn thảo bằng tiếng Việt để đáp ứng nhu cầu đào tạo và tự đào tạo cho các nhân viên của ngân hàng, và nếu có cũng ít nhiều mang tính hàn lâm mà mục đích chỉ phù hợp với việc đào tạo sinh viên tại các trường Đại học .


Trong khi đó, nhân viên ngân hàng muốn tự nâng cao nghề nghiệp và cập nhật tri thức, thì phải tự lực tìm tài liệu nghiên cứu. Một khó khăn của vấn đề này là hầu hết các tài liệu được phổ biến rộng rãi trên mạng Internet đều bằng tiếng Anh nên phần nào làm hạn chế sự tiếp thu của người học.


Với mong muốn chia sẻ chút thiện ý với cộng đồng, nhân dịp có được trong tay một tài liệu mới được Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại Thành phố Kansas (Hoa kỳ) phổ biến trong tháng 1/ 2010 là “BASICS FOR BANK DIRECTORS” ( KIẾN THỨC CƠ BẢN CHO THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ NGÂN HÀNG), chúng tôi mạnh dạn gửi bản dịch cho các bạn đồng nghiệp để vừa nâng cao được trình độ am hiểu và sử dụng tiếng Anh chuyên ngành tài chính – ngân hàng, vừa nâng cao được kỹ năng biên dịch Anh – Việt, đồng thời học hỏi thêm được những kinh nghiệm thực tiễn qua việc phân tích một mô hình đánh giá hoạt động của một ngân hàng dựa trên các yếu tố CAMELS :



• Capital (Vốn tự có)
• Asset quality (Chất lượng tài sản có)
• Management (Quản lý điều hành)
• Earnings (Thu nhập)

• Liquidity (Thanh khoản)


• Sensitivity to market risk (Tính nhạy cảm đối với rủi ro thị trường)



Đây là nội dung chủ yếu của tập tài liệu này, được xuất bản lần thứ năm sau khi nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ nói riêng trải qua cơn khủng hoảng trầm trọng trong năm 2008 .

Do trình độ biên dịch còn hạn chế và một số thuật ngữ dùng trong tài liệu này không thể dịch một cách chuẩn xác vì chưa được sử dụng phổ biến tại Việt nam, tài liệu dịch này chắc chắn còn nhiều thiếu sót nhưng nhóm biên dịch chúng tôi cũng xin được chia sẻ những kiến thức cập nhật và thực tiễn này đến các bạn đồng nghiệp để tham khảo thêm.



Trong bản dịch này, nhóm biên dịch chỉ tập trung dịch các phần chính là : Giới thiệu tổng quát, Chương 1, Chương 2 và Chương 3; không dịch Chương 4, Chương 5 và Chương 6 do đề cập đến những đặc thù của khung luật pháp về quản lý và điều tiết hoạt động ngân hàng tại Hoa Kỳ.

Với ước muốn ngày càng được mở mang thêm kiến thức nghiệp vụ ngân hàng và nâng cao được trình độ sử dụng tiếng Anh chuyên ngành hầu có thể đóng góp một phần nhỏ vào thành quả chung của hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, chúng tôi xin được gửi đến các bạn đồng nghiệp bản dịch này để tham khảo và phổ biến nội bộ.

Trân trọng.

Nhóm biên dịch


Nguyễn Hà Đại

Nguyễn Huỳnh Yến
Lý Thị Hiền
Nguyễn Thị Hồng

Biên tập bản dịch

Nguyễn Hữu Thư


Tháng 8/2010

DOWNLOAD BẢN GỐC TIẾNG ANH :

http://www.mediafire.com/download/9dk24pbabfy09ke/BASICS_FOR_BANK_DIRECTORS.pdf

DOWNLOAD BẢN DỊCH ( SONG NGỮ VIỆT - ANH)


http://www.mediafire.com/download/vghcdt2fsahdgl9/BASICS+FOR+BANK+DIRECTORS+-TIENG+ANH+VA+TIENG+VIET.doc
Thân mến

Nguyễn Hữu Thư


Lời thách đố của GS Jonathan London

Nếu bạn chưa biết GS Jonathan London là ai, thì còn chờ gì nữa, hãy "gúc"! Còn tôi thì tất nhiên là biết, nhưng sẽ không nói ra, vì như thế là làm hại bạn mất rồi. Bởi, kỹ năng tìm kiếm và sử dụng thông tin (gọi chung là kỹ năng thông tin) là một kỹ năng thiết yếu của thời đại thông tin, và nếu bạn chưa có kỹ năng này thì đây chính là cơ hội để rèn luyện. (Còn nếu bạn đã bỏ công ra "gúc" cả ngày mà vẫn không tìm được thì hãy quay lại đây với câu hỏi của bạn, tôi sẽ cố trả lời vậy! Nhưng tôi không tin là có ai cần tôi giúp.)

OK, vậy là xong phần giới thiệu về GS JL rồi. Giờ là lời thách đố của ông. Tối hôm nay 19/9, chẳng biết đọc thấy cái gì trên báo chí về chuyện Hồng Kông, Trung Quốc mà ông GS đã thốt ra một tràng những lời lẽ ... rất lạ lùng và hoàn toàn không phù hợp với phong cách của một vị giáo sư như ông. Mà không chỉ thốt ra những lời lẽ lạ lùng ấy, ông còn ... thách xem có ai dịch được không, nếu dịch đúng sẽ được 10 điểm!

Chà chà, ông GS đưa ra lời thách về dịch vào đúng ngày mà tôi mở trang "dịch để học", thế có may không cơ chứ? Nào, xin mời các bạn!
These shameless boot-licking, brown-nosing Hong Kong elites have their head shoved so far up Beijing's rear-end they have no clue how utterly pathetic they are. Public opinion in Hong Kong has clearly rejected Beijing's plans for Hong Kong. These people are a DISGRACE! (ai dịch được 10 điểm).
-----------
Bonus cho ngày khai trương blog mới:

Nghĩa của từ brown-nose, theo trang Yahoo Answers (ở đây: https://answers.yahoo.com/question/index?qid=20080110150604AABLOLA)

It means that you're so far up a person's butt that your nose is brown. Pretty much a butt kisser.
(Nôm na trong tiếng Việt là "bưng bô", "bợ đít", "liếm đít", đại khái thế).


Cũng vậy, gửi câu trả lời vào comment các bạn nhé! Và lời giải đáp sẽ là ngày mai.

Bạn có dịch được không? (1)

Không phải cái gì cũng có thể dịch. Cho dù bạn có giỏi cả hai ngôn ngữ đến mấy, cũng mặc!

Bạn không tin ư? Xin mời bạn dịch hai mẩu đối thoại trong hình dưới đây.

Xin nói thêm: Chúng là những truyện cười, và là trò chơi chữ (tiếng Anh là "pun"). Kiểu như từ "lợi" trong câu ca dao nổi tiếng: "Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn" ấy mà.

Nào, giờ thì xin mời các bạn tham gia cuộc đố vui KHÔNG có thưởng này nhé. Câu trả lời xin gửi vào comment. Và câu trả lời sẽ được đưa lên vào ngày mai.



Enjoy các bạn nhé!

(À, viết từ enjoy xong tôi lại nhớ đến một bí quyết khác của học ngoại ngữ, hoặc đúng hơn là học bất cứ cái gì, đó là: phải có niềm vui. Phải thấy thích thú thì mới học được. Và đó cũng là lý do tại sao ngày nay học sinh phổ thông lại sợ môn tiếng Anh đến thế: Các em phải học như một sự tra tấn! Thương các em quá đi  thôi!)



Hãy dịch để học

Xin chào tất cả các bạn, những người đã biết và những người chưa biết tôi.

Đây là blog mới nhất của tôi, blog thứ 6 (!) mà tôi sở hữu. Đa số các bạn có lẽ đã biết tôi qua những blog khác rồi, nhưng cũng xin tự giới thiệu trong trường hợp có những bạn mới. Tôi là một người đã sống hết cả cuộc đời làm việc của mình trong ngành giáo dục, qua nhiều vị trí và nhiều đơn vị khác nhau - từ một giảng viên tiếng Anh đơn thuần (công việc ban đầu của tôi là dạy dịch Anh-Việt, Việt-Anh) chuyển sang nghiên cứu và ứng dụng khoa học đo lường trong giáo dục rồi thành "nhà" quản lý và cuối cùng là "nhà" bình luận và phân tích chính sách giáo dục. (Xin lỗi phải dùng từ "nhà", là một từ mà tôi rất ghét, do chưa tìm được từ khác phù hợp và nghe thuận tai hơn.)

Hẳn các bạn đã thấy hầu như không có bất cứ điểm chung nào giữa những công việc mà tôi đã trải qua, phải không? Tôi cũng thấy như vậy, và không phải là không có những khó khăn lúc đầu khi phải làm một công việc hoàn toàn mới. Nhưng vật vã một hồi thì tôi cũng vượt qua được, để rồi có thể tồn tại và phát triển theo những công việc rất đa dạng mà tôi phải đảm nhiệm. Chẳng có bí quyết gì đặc biệt cả, chỉ là: tôi là kẻ khá "lì", đã chấp nhận làm việc gì thì cố gắng bám theo, làm ngày làm đêm cho bằng được mới thôi. Cần cù bù thông minh, như người ta thường nói.

Nhưng, hượm đã nào! Hóa ra vẫn một điểm chung gắn kết tất cả những công việc mà tôi đã kinh qua. Điểm chung ấy đây: Mỗi lần tôi chuyển sang công việc mới thì công việc ấy vẫn còn là một việc mới mẻ mà hầu như ở VN chưa có mấy người biết, đòi hỏi khả năng tự tìm kiếm thông tin, đọc, nghiền ngẫm, vật vã, rồi tự mày mò mà làm. Và ở đây thì vốn liếng ngoại ngữ của tôi, cộng với khả năng dịch tương đối thành thạo giữa hai ngôn ngữ, đã phát huy tối đa tác dụng. Có thể nói, hầu hết những gì tôi biết và làm được trong cuộc đời làm việc của tôi cho tới nay đều nhờ vào khả năng đọc-dịch ấy.  Bắt chước cách nói của tuổi teen, tôi đang cảm thấy có một sự biết ơn không hề nhẹ về điều đó.

Gần đây, có một số bạn bè (hoạt động trong những lĩnh vực khác với tôi) hỏi tôi về kinh nghiệm học ngoại ngữ, vì các bạn ấy thấy ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) là thực sự cần thiết. Câu trả lời của tôi, cũng chính là kinh nghiệm học ngoại ngữ của tôi, đó là: cách bạn hãy dịch để học. Không, không phải là dịch bất cứ cái gì, mà hãy dịch những gì mình thấy cần cho công việc, cho cuộc sống, hoặc do mình thích. Vì ngoại ngữ vốn chỉ là một công cụ thông tin. Không ai có thể học ngoại ngữ thành công nếu không có nhu cầu sử dụng nó.

Đó là lý do tại sao môn ngoại ngữ trong trường phổ thông hiện nay được dạy rất không hiệu quả, vì nó chỉ nhấn mạnh vào ngữ pháp, ngữ pháp, ngữ pháp và ngữ pháp! Trong khi đó, biết bao nội dung thú vị và cần thiết có sẵn khắp nơi, mà dễ nhất là từ Internet, nhưng các thầy cô lại chẳng bao giờ đưa vào bài cho học sinh học cả. Còn ngày xưa, chúng tôi học ngoại ngữ chỉ bằng vài cuốn sách, cũng học ngữ pháp nhưng kèm theo đó là dịch (mà cũng chỉ có các tác phẩm văn học, khó ơi là khó), thế mà có rất nhiều người đạt đến một trình độ rất cao.

Bí quyết đây các bạn ạ: Hãy dịch để học. Không chỉ là học ngoại ngữ, mà trước hết là học những nội dung mới mà mình muốn học. Và ngày nay, với công cụ google translate thì không còn có gì dễ hơn thế nữa. Có thể nói, ngày nay ai không học được ngoại ngữ thì chỉ nên tự trách mình mà thôi.

Hãy dịch để học, các bạn nhé! Đó là mục đích của trang blog này. Trên trang này, tôi sẽ đăng những bài mà tôi đã dịch (dịch để lấy nội dung, những nội dung mà tôi quan tâm) dưới dạng song ngữ (một đoạn tiếng Anh một đoạn tiếng Việt) để các bạn vừa đọc nội dung vừa học tiếng Anh. Tôi cũng sẽ đăng lên những bài dịch của bạn bè đang tự học tiếng Anh bằng phương pháp dịch, và thảo luận những chỗ chưa đúng để chúng ta cùng học. Và cuối cùng, bất kỳ bạn đọc nào có thắc mắc về tiếng Anh thì cứ gửi đến trang blog này (gửi trong comment), tôi sẽ cố gắng giải đáp cho các bạn.

Bật mí cuối cùng: Trang này trước hết là dành cho cô con gái của tôi, hiện đang học lớp 12, và cũng đang cố học tiếng Anh để ... giỏi như mẹ. Đồng thời, nó cũng là sân chơi, là nơi "đàn đúm", trao đổi giữa tôi với các bạn bè, những người đang hỏi tôi về bí quyết học tiếng Anh để sao cho có thể sử dụng được. Thì đó, bí quyết rất đơn giản thôi: Hãy dịch để học!

Hãy dịch để học, các bạn ơi! Chúc các bạn may mắn, và nào, chúng ta hãy lên đường!